9 LÝ DO KHIẾN MÁY LẠNH KHÔNG LẠNH VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

Lý Do Máy Lạnh Không Lạnh Và Cách Khắc Phục

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho máy lạnh không lạnh. Do đó trước khi bắt tay vào tiến hành sửa chữa máy lạnh thì chúng ta cần phải xác định được nguyên nhân khiến cho máy lạnh bị hư hỏng. Để có thể đưa ra giải pháp khắc phục tối ưu nhất.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra các nguyên nhân khiến máy lạnh không lạnh để các bạn tham khảo. Mong rằng bài viết này có thể giúp bạn dễ dàng tìm ra được nguyên nhân vì sao máy lạnh chạy nhưng không mát.

1. Do lâu ngày không vệ sinh bảo trì máy lạnh:

Theo như khuyến cáo của nhà sản xuất thì chúng ta nên có kế hoạch bảo trì vệ sinh máy lạnh định kỳ thời gian từ 3 – 4 tháng/ lần. Sau một khoảng thời gian sử dụng, dàn lạnh của máy lạnh bám nhiều bụi bẩn khiến cho hơi lạnh không thoát ra ngoài được. Điều này không chỉ làm cho máy lạnh không lạnh mà còn khiến cho hóa đơn tiền điện tăng cao.

Thời gian vệ sinh máy lạnh hợp lý nhất:

  • Đối với căn hộ gia đình: 4 – 5 tháng/ lần
  • Đối với văn phòng, công ty: 3 – 4 tháng/ lần
  • Đối với quán ăn, nhà hàng: 2 – 3 tháng/ lần

Nhà xưởng, khu vực sản xuất, có nhiều khói bụi: nên vệ sinh định kỳ hàng tháng để tránh hư hỏng thiết bị

2. Do máy lạnh bị xì gas:

Trong trường hợp máy lạnh bị xì gas thì độ lạnh sẽ bị giảm đáng kể, nếu trường hợp này kéo dài sẽ dẫn đến không lạnh và kéo theo nhiều hư hỏng khác cho máy.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho máy lạnh bị xì gas như:

  • Xì gas trên dàn lạnh
  • Xì gas trên dàn nóng
  • Xì gas ống đồng
  • Xì gas các đầu tán
  • Và nhiều nguyên nhân khác…

Trong trường hợp này, để giúp cho máy lạnh hoạt động ổn định và làm lạnh lại bình thường thì cần phải xác định được nguyên nhân xì gas. Sau khi đã xác định được nguyên nhân thì chúng ta bắt đầu lên phương án sửa chữa. Hàn lại chỗ xì sau đó nạp lại gas.

3. Do board mạch bị hỏng:

Board mạch được coi là trung tâm điều khiển mọi hoạt động của máy lạnh. Đây là linh kiện quan trọng nhất trong các thiết bị điện tử – điện lạnh. Nếu board mạch bị lỗi chương trình hoặc hư hỏng sẽ dẫn đến tình trạng máy không hoạt động ổn định thậm chí không làm lạnh. Sửa chữa board mạch máy lạnh là một trong những việc đòi hỏi kỹ thuật viên phải có tay nghề chuyên môn cao.

4. Do chỉnh sai remote:

Chỉnh sai chế độ trên remote cũng là nguyên nhân khiến cho máy lạnh không làm lạnh. Trường hợp này thường xảy ra khi nhà có trẻ nhỏ nghịch ngợm, chỉnh remote qua chế độ khác. Bạn có thể liên hệ hãng hoặc các đơn vị sửa chữa máy lạnh nhờ KTV tư vấn cách điều chỉnh lại remote máy lạnh. Đôi khi cũng có thể do remote máy lạnh bị hỏng, không chuyển được chế độ làm lạnh.

5. Do hỏng tụ:

Tụ máy lạnh có tác dụng khởi động block làm lạnh trong máy lạnh, nếu tụ bị hỏng hoặc cháy tụ thì block không thể khởi động. Máy lạnh hoạt động nhưng không lạnh. Có nhiều nguyên nhân khiến cho tụ bị hỏng như những ngày thời tiết nắng nóng, máy lạnh hoạt động liên tục dẫn đến quá tải, tụ dễ bị cháy nổ.

Nếu trường hợp tụ máy lạnh bị hỏng, tiến hành thay tụ mới sẽ khắc phục được tình trạng máy lạnh hoạt động nhưng không lạnh.

6. Cánh quạt dàn nóng không quay:

Quạt dàn nóng máy lạnh là bộ phận giúp cho không khí được lưu thông đều. Không khí từ ngoài môi trường đưa vào bên trong nhờ hệ thống quạt, làm mát các chi tiết máy bên trong dàn, tản nhiệt, làm bụi bẩn không bám vào dàn. Đối với những máy lạnh có tuổi thọ cao, hoặc lâu ngày không bảo trì định kỳ sẽ khiến cho động cơ quạt dàn nóng bị khô dầu, phát ra tiếng kêu khi quay thậm chí không quay.

Thay mô tơ quạt hoặc cánh quạt dàn nóng nếu linh kiện này bị hư hỏng.

7. Do công suất máy lạnh nhỏ hơn diện tích phòng:

Nếu công suất làm lạnh của máy lạnh quá nhỏ, nhưng diện tích phòng quá lớn thì không chỉ khiến cho nhiệt độ phòng không đủ lạnh, mà còn làm cho máy lạnh rất dễ hư hỏng và tốn kém chi phí tiền điện.

  • Phòng có diện tích 15 m2: chọn máy lạnh có công suất 9000 BTU =1HP.
  • phòng có diện tích 16 m2 – 22 m2: chọn máy lạnh có công suất 12000 BTU = 1,5HP.
  • Phòng có diện tích 22 m2 – 30 m2: chọn máy lạnh có công suất 18000 BTU = 2HP.
  • Phòng có diện tích 30 m2 – 35 m2: chọn máy lạnh có công suất 21000 BTU = 2,5HP.

8. Do lắp đặt sai vị trí:

Lựa chọn vị trí lắp đặt máy lạnh cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng trước khi lắp đặt máy lạnh. Để máy hoạt động hiệu quả và làm lạnh căn phòng đôi khi bạn cần phải lựa chọn ví trí hợp lý giúp khó lưu thông được khắp phòng và hạn chế gió thổi thẳng ra cửa gây thất thoát gió.

Lắp đặt máy lạnh sai vị trí sẽ làm cho căn phòng không đủ lạnh, máy lạnh hoạt động không ổn định dễ hư hỏng. Trong trường hợp này thì bạn cần tham khảo ý kiến tư vấn của kỹ thuật viên có kinh nghiệm lắp đặt máy lạnh.

9. Do nhiệt độ môi trường bên ngoài quá nóng:

Những ngày thời tiết nhiệt độ bình thường, quý khách chỉ cần để 27 – 28 độ C là cảm thấy mát lạnh. Nếu thời tiết nắng nóng gay gắt thì chúng ta không thể để remote ở chế độ 27 – 28 độ C mà mong muốn không khí trong phòng đạt được độ lạnh như bình thường được.

Trong những ngày thời tiết có nhiệt độ quá nóng thì quý khách nên hạ nhiệt độ làm lạnh của máy lạnh xuống thêm vài độ C để đạt độ lạnh tốt nhất. Nếu nhà có cửa kính thì nên che rèm cửa lại để hạn chế ánh nắng mặt trời.

Post a Comment

0969.774.344